Lượt xem: 2195

Hiệu quả từ các mô hình hùn vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đại Hải, huyện Kế Sách

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đại Hải có 1.541 hội viên sinh hoạt tại 8 chi hội ấp, thời gian qua, Hội LHPN xã luôn xem phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của hội viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, hàng năm, Hội triển khai nhiều giải pháp thiết thực giúp đỡ các hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy khả năng sáng tạo để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn Hội phát triển và duy trì 31 tổ nhóm phụ nữ tiết kiệm, phụ nữ hùn vốn xoay vòng với hơn 1.000 thành viên tham gia, nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao.

    Chị Nguyễn Thị Lụa - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Hải cho biết, Hội LHPN xã Đại Hải có nhiều mô hình phát triển kinh tế như: Mô hình tổ hùn vốn kinh doanh ấp số 1 và mô hình tổ trồng màu ấp Mang Cá, qua thời gian hoạt động được Hội LHPN xã đánh giá cao, góp phần nâng cao đời sống chị em, từ đó hội viên nghèo giảm, vươn lên khá giàu, có cuộc sống ổn định, chị em yên tâm tham gia các phong trào do Hội và địa phương phát động, vì thế năm 2019 Hội LHPN xã Đại Hải được Trung ương Hội tặng Bằng khen.

    Mô hình Tổ Phụ nữ “Hùn vốn kinh doanh” ấp Số 1 được thành lập nhiều năm nay với 24 thành viên tham gia, ban đầu mỗi chị góp vốn 50.000đ/tháng, do hoạt động hiệu quả nâng lên 200.000đ/tháng và hiện nay là 500.000đ/tháng/chị. Mỗi tháng 1 chị được nhận vốn thông qua hình thức bốc thăm công khai, thành viên khi được nhận vốn sẽ đóng góp để làm quỹ tổ, ban đầu 50.000đ và hiện tại 100.000đ/chị, mỗi kỳ góp vốn, tập thể đều xem xét và ưu tiên cho những chị khó khăn nhận vốn trước, nguồn vốn này chủ yếu chị em sử dụng đầu tư vào việc sản xuất kinh doanh mua bán nhỏ… Nguồn quỹ do các thành viên đóng góp mỗi lần nhận vốn, tổ sẽ chi cho các kỳ sinh hoạt lệ, thăm viếng hội viên các dịp lễ, tết và khi hội viên ốm đau…

    Chị Nguyễn Kim Liên - hội viên Phụ nữ ấp Số 1 cho biết: Tôi nhận được tiền góp vốn mười mấy triệu đồng, tôi mua phân, thuốc chăm sóc vườn và chăn nuôi. Tham gia vào Hội, tôi được chị em hướng dẫn xây dựng gia đình hạnh phúc, hướng dẫn cách làm ăn, chị em phụ nữ mình nên tham gia vào Hội để được nâng cao kiến thức thêm.


Chị Nguyễn Thị Nữ đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất sương sáo. Ảnh Văn Hiệp

 

    Chị Nguyễn Thị Nữ - 53 tuổi, là Chi hội trưởng cũng là Tổ trưởng Tổ Phụ nữ “Hùn vốn kinh doanh”, trước đây tuy kinh tế không quá khó khăn, nhưng chị vẫn không có dư để tích lũy, nhờ tham gia vào Hội và từ nguồn vốn Tổ hùn vốn kinh doanh, chị Nữ đã mạnh đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất sương sáo. Chị Nữ cho biết, mỗi ngày gia đình làm ra khoảng 180 ổ sương sáo và bỏ mối tại các quán cà phê, trường học các địa phương lân cận như: Xã An Lạc Tây, xã Thới An Hội, thị trấn Cái Côn, xã Xuân Hòa, chợ Mang Cá xã Đại Hải, giá bán lẻ 5.000đ/ổ. Nhờ làm ngon, giá bán hợp lý, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, rất tốt cho người tiêu dùng trong thời điểm thời tiết oi bức nên mỗi ngày chị Nữ đều tiêu thụ hết, theo tính toán sau khi trừ các khoảng chi phí, mỗi ngày gia đình chị Nữ còn lãi 490.000đ/ngày, một năm chị tích lũy hơn 176 triệu đồng, với nguồn thu nhập này mà cuộc sống gia đình 5 nhân khẩu rất ổn định có điều kiện lo cho con cái, chị Nữ cũng yên tâm tham gia công tác Hội và hoàn thành tốt nhiệm vụ Hội cấp trên giao.

    Chị Nguyễn Thị Nữ chia sẻ: nhờ tham gia vào Hội Phụ nữ, tham gia vào tổ hùn vốn kinh doanh mà chị em phụ nữ ấp Số 1 có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, riêng tôi nhờ nguồn vốn này mà có điều kiện đầu tư phát triển mô hình nghề làm sương sáo và cũng chính thu nhập từ nghề này mà cuộc sống gia đình tôi ổn định, không chỉ lo cho con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn thực hiện các phong trào do địa phương phát động, như đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng nông thôn mới, ngoài ra còn giúp đỡ các trường hợp hộ nghèo khó khăn có nhu cầu.

    Còn ở Chi hội Phụ nữ ấp Mang Cá tiêu biểu nhất là mô hình Tổ phụ nữ “Hùn vốn trồng màu”, mô hình này được thành lập khá lâu với 25 thành viên tham gia, nguồn vốn góp ban đầu 50.000đ/chị/tháng và nay tăng lên 200.000đ/chị/tháng, mô hình này cũng thực hiện các quy định như trích nộp quỹ hội và thực hiện các nghĩa vụ khác… với đặc thù của địa phương là nông dân đều sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, cây trồng phổ biến là cây lúa, tuy nhiên thu nhập không cao. Để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất, tận dụng bờ bao quanh ruộng lúa, chị em phụ nữ tổ chức trồng luân canh các loại rau màu như: Khổ qua, dưa leo, đậu các loại, cải các loại, ớt, bầu, bí… để chủ động nguồn nước tưới cho cây màu, mỗi năm các chị trồng 3 vụ màu tương ứng với 3 vụ lúa.

    Trung bình một thành viên của tổ trồng ít nhất 100 tầm chiều dài (tương đương 260 m), nhiều nhất là hơn 200 tầm (tương đương 520 m), theo tính toán sau khi trừ các khoảng chi phí, lợi nhuận bình quân 30 triệu đồng/100 tầm/năm, với nguồn thu nhập này cộng với nguồn thu nhập từ cây lúa và thu nhập khác, mà đời sống hội viên phụ nữ cải thiện đáng kể, nhiều hộ hội viên phụ nữ của Tổ trồng màu đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống khá, có điều kiện sửa chữa trang hoàng nhà cửa, chăm lo con cháu, xây dựng gia đình hạnh phúc, theo đó có điều kiện thực hiện các phong trào do Hội và địa phương phát động.

    Cô Nguyễn Thị Xuân - thành viên Tổ Phụ nữ trồng màu ấp Mang Cá, xã Đại Hải cho biết: Một năm tôi trồng được 3 vụ 200 tầm, mỗi lần trồng có thể các loại màu như khổ qua, dưa leo, bắp, sau mỗi vụ, trừ chi phi hết tôi còn lời khoảng 10 triệu đồng, có khi 1 năm tôi thu hoạch được 2, 3 chục triệu đồng.


Mô hình Tổ phụ nữ “Hùn vốn trồng màu”. Ảnh Văn Hiệp

    Màu là loại cây trồng không khó lại rất quen thuộc với phụ nữ nông thôn,  cây màu trồng được quanh năm, chăm sóc dễ, thích nghi nhiều loại đất, thời gian sinh trưởng ngắn, ít rủi ro, chi phí đầu tư không nhiều, giá bán và đầu ra khá ổn định, thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa, đặc biệt là phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng phó biến với đổi khí hậu của địa phương.

    Chị Nguyễn Thị Lụa - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Hải cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN xã Đại Hải tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra của Hội Liên hiệp phụ nữ năm 2021, góp phần cùng địa phương hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo lộ trình.

    Thực tế cho thấy, hùn vốn xoay vòng là mô hình không mới, nhưng hiệu quả đem lại rất thiết thực, mặc dù số tiền góp vốn không lớn, nhưng đã giải quyết nhiều khó khăn cho gia đình hội viên phụ nữ, bên cạnh còn hạn chế được tình trạng chị em phải đi vay mượn bên ngoài với lãi suất cao mà rủi ro lớn. Việc vay vốn được các tổ góp vốn xoay vòng thực hiện nhanh gọn và các hội viên cũng chỉ chịu lãi suất rất thấp. Qua đó, tạo động lực giúp chị em phụ nữ vững tin, phấn đấu làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đồng thời, nâng cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tiết kiệm giữa các hội viên, để giúp nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, xây dựng tổ chức Hội phụ nữ vững mạnh, chính vì vậy mà việc tập hợp phụ nữ vào tổ chức Hội ngày càng thuận lợi hơn, công tác phát triển hội viên của Hội LHPN xã Đại Hải đều đạt và vượt chỉ hàng năm.

Văn Hiệp



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 57
  • Hôm nay: 7964
  • Trong tuần: 78,671
  • Tất cả: 11,801,991